Địa Lý Tả Ao

HÌNH THỂ TRONG ĐỊA LÝ TẢ AO

Thái Hòa Bùi Đình Ngọc

Có câu nói: Người Việt nam ai cũng biết xem tướng. Nghe là lạ, nhưng quả thật cũng có lý của nó. Chúng ta thường nghe: “ Trán dô thế này, bướng phải biết” , “ Cô kia thắt đáy lưng ong đã khéo chiều chồng lại khéo nuôi con”, hay còn mang tính ước lệ hơn: “Trông mặt mà bắt hình dong, con lợn có béo thì lòng mới ngon…” Những câu như vậy thật nhiều vô kể.

Đó là nói về con người, còn về thiên nhiên, ai trong chúng ta chẳng thấy đến những vùng đất mà thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu ôn hòa, cây cối tốt tươi thì con người cũng thân thiện, cởi mở, tạo một không khí vui vẻ, đầm ấm. Nơi núi non hiểm trở, cây cỏ khô cằn, khí hậu khắc nghiệt thì con người ở đó cũng khắc khổ, ý chí quật cường …

Đó là trong nhân gian, cảm thụ tự nhiên theo kiểu bản năng. Các nhà chuyên môn lại khác, họ đã nghiên cứu, thống kê khoa học trên nguyên tắc xác xuất, chiêm nghiệm, những gì mang tính quy luật để đưa ra những quy chuẩn nhất định,hình thành những môn học vấn uyên thâm, tồn tại cả ngàn năm và được hậu thế phát huy lên những tầm cao mới. Như về nhân trắc học có bộ môn Nhân tướng học, Triết lý Đông phương có Kinh Dịch, và về Phong thủy cũng có nhiều trường phái tồn tại và phát triển tới ngày nay…

Nói đến Phong thủy chúng ta đều biết là bộ môn Khoa học huyền bí, dễ học nhưng khó trở thành tài giỏi, phần vì địa lý phong thủy thường được xét và thực hiện trên một bình diện rộng lớn, xa xôi, nhiều khi xét đến long mạch trên diện tích hàng trăm, hàng ngàn ki lô mét vuông, thời gian lại dài, có khi nối tiếp đời nọ sang đời kia mới ứng nghiệm, nên kết quả khó chứng minh cụ thể, có lẽ chỉ có người làm Phong thủy và gia chủ mới biết được cuộc đất ấy, công trình ấy có hiệu quả tới đâu, đúng sai thế nào mà thôi.

Phần thì các sách Phong thủy, các trường phái Phong thủy có nhiều, nhưng đa phần “ Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay” lại thêm mỗi trường phái đưa ra lý thuyết riêng, nhiều khi không rõ ràng, thậm chí còn có những điểm mập mờ, hiểu sao cũng được, lý thuyết đã vậy, thực tế còn khó hơn, nếu không được minh sư chỉ điểm rõ ràng thì thật khác nào mò kim đáy bể. Các tác gia cho rằng để tùy duyên, tùy phúc phận, tránh tình trạng nhiều người chưa là “ Thầy” mới chỉ là thợ, thậm chí mới là “ thợ vụng” đã đi lòe người. Hoặc giả cho rằng có Thầy vì kim ngân mà đặt đất cho những người đức mỏng, làm sai lệch quy luật tự nhiên.

Cái đó thì đúng rồi, tuy nhiên cũng làm cho hậu sinh nhiều lúc bối rối.

Nói về Địa lý Phong thủy, nước Nam ta ai chẳng biết đến cụ Tả Ao, cụ để lại nhiều tác phẩm bàn về Phong thủy, các sách về Địa lý Phong thủy được chú giải cẩn thận, chi tiết, được diễn giải đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ. Biết bao giai thoại trong nhân gian về cuộc đời, sự hiệu nghiệm các công trình của cụ, về vấn đề này chắc hiếm nhà Phong thủy nào được như cụ:

Tả Ao phong thủy nhất trên đời

Họa phúc cầm cân đỉnh chẳng sai

Mắt thánh trong xuyên ba thước đất

Tay thần xoay chuyển bốn phương trời

Chân đi long hổ luồn qua gót

Miệng gọi trâu dê ứng trả lời

Ai muốn cầu sau cho được vậy…

Việt nam ta có lẽ duy nhất cụ được phong là Thánh Phong thủy và được vinh danh, thờ phụng ở nhiều nơi.

 

 

Đền thờ cụ Tả Ao ở thôn Nam Trì, xã Đặng Lễ, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên ( Ảnh: Bùi Thái Hòa)

 

Nói về Phong thủy tuy nhiều trường phái, nhưng hầu như trường phái nào cũng coi trọng về hình thể, hình dáng cuộc đất (loan đầu), thậm chí còn có trường phái Loan đầu chuyên sâu về lĩnh vực này.

Khoa địa lý nói chung là khoa phối hợp thuyết âm dương, ngũ hành với sự quan sát cách thế, hình thể của cách mạch đất cùng lối đi của sông, ngòi, suối, lạch mà tìm ra nơi có chứa tụ khí mạch của đất, gọi nơi đó là nơi đất kết. Và quan niệm rằng nơi có đất kết, có thể chôn xương người chết là kết âm phần và có thể làm nhà, đình chùa, lập doanh trại, thị trấn, đô thị lên trên nếu là đất kết dương cơ, để người sống được thịnh vượng phát đạt do tú khí của vùng đất kết đó.

Tuy nhiên dương cơ hay âm phần cũng phải qua ba bước: Tầm long, điểm huyệt và lập hướng.

Trong cả ba bước này cụ Tả Ao đều chú trọng đến hình thế cuộc đất, chỉ điểm rõ ràng từng công đoạn. Trước tiên ta xét thế nào Hình thế (loan đầu):

Loan đầu hay còn gọi là hình thế. Là phân tích hình thế của con sông, của dãy núi, con đường, kiến trúc xung quanh có ảnh hưởng tốt, xấu như thế nào đến dương trạch (nhà cửa) và âm trạch (mồ mả). Dựa trên các yếu tố ngoại cảnh để xác định các mối quan hệ của chúng với kiến trúc nhà cửa hay mồ mả, lăng mộ.

( Ngày nay thiên nhiên môi trường thay đổi nhiều, nhưng những lý luận cụ đưa ra vẫn còn nguyên giá trị, ngày trước có cổng tam quan, giếng nước, sân đình… rất ít thấy trong đô thị hiện nay, ngày nay quá nhiều khu đô thị hiện đại, ta không thể tính toán máy móc như ngày xưa được. Kiểu kiến trúc hiện đại: Nhà cao tầng, nhà máy, sân bay, ống khói, cột điện, tường kính nhà đối diện… cũng ảnh hưởng rất lớn đến phong thủy của các công trình xung quanh. Thực ra về mặt lý luận cơ bản, môn phong thủy ngày nay cũng không có gì thay đổi. Hình thế bên ngoài của công trình bao gồm các chủng loại vật thể hữu hình chung quanh, ví dụ như đường xá, cầu cống, cây cối, khe rạch, sông núi… Những thứ này đều có phát sinh các điều cát, hung đến những công trình xung quanh).

Với tinh thần Dịch lý, Cụ hướng dẫn chúng ta quan sát trực tiếp vào các hiện tượng trên mặt đất, chỗ cao là âm, chỗ thấp là dương, núi là âm, nước là dương, nước đi từ cao xuống thấp, nước có khi đi gần cũng có khi đi xa núi, nhưng đến một chỗ nào núi không đi nữa, nước không tiếp tục chảy nữa, thì tụ lại một chỗ, làm nên huyệt kết, chỗ đó là chỗ đẹp nhất, chỗ độc đáo nhất của một vùng. Nơi đó núi non, các giải đất toàn vùng, ôm chầu vào nó. Nếu chôn xương người quá cố xuống đó, thì xương cốt sẽ ấm áp hơn chỗ khác, con cháu sẽ làm ăn thịnh đạt. Nếu làm nhà trên đó gia đình sẽ giầu có cao sang, con cháu thành đạt, ngoan hiền.

Không chỉ khái quát, Cụ còn giải thích kỹ càng trong phần Tầm long: Tầm long là phép xem hình thế đất đai lồi lõm, đốn khởi mà tìm sao cho đến huyệt trường là nơi có đất kết. Những người có kinh nghiệm còn có thể dựa vào các đốt long để xem đất ấy phát được mấy đời và thời gian kết phát. Dựa vào câu:

Sơn thôi thoái vận, tuần tiết nhi phát nhi tôn.

Thủy khán nguyên đầu, kiến phương nhi tri chức nghiệp.

Núi suy chuyển xuống theo đốt tiết mà phát con cháu. Nước xem từ đầu nguồn mà biết chức nghiệp.

Sơn lai tự đầu giáng khởi, mỗi nhất tiết phát nhất đại, đốn khởi nhi suy.

Núi đến từ đầu trở xuống, mỗi một đốt tiết phát một đời, theo chỗ thấp chỗ cao mà suy luận.

Phàm thủy chi lai trường khê từ chữ giai hữu thăng, tự phát –

Hà tự nhi luận giả như Tý phát nguyên thủy chủ thương mại, dĩ thử luận tha, khả loại suy.

Phàm nước trường khê tới, quan hệ tự chỗ phát nguyên. Xem từ chữ gì mà định luận. Giá như nước phát nguyên từ chữ Tý thì chủ về buôn bán, cứ theo pháp đó mà suy luận rộng ra.

Tầm long phải tìm ra đất kết. Tầm long là tìm mạch và tìm đất hay tìm huyệt cũng vậy. Cụ dặn: Thắt cuống cà phì ra mới kết (câu 59), không chỉ vậy Cụ còn dạy kỹ cách phân biệt huyệt cát huyệt hung:

Huyệt cát nước tụ vào lòng.

Hai bên long hổ uốn vòng triều lai.

Huyệt hung minh đường bất khai.

Sơn tà, thủy xạ, hướng ngoài tà thiên (Câu 61,62,63,64).

Ở những câu: Nước chẳng tụ đường kể chi/

Kiếm ăn cũng khá xong thì lại không/

Con trai thì ở bất trung/

Con gái thất tiết chả dùng cả hai…

Chúng ta phải hiểu rằng: tầm long phải lấy sơn thủy làm cơ bản, chỉ những nơi có đầy đủ sơn, thủy mới tìm. Những nơi chỉ có sơn mà không có thủy hoặc chỉ có thủy mà không có sơn thì không nên tìm huyệt ở chỗ đó, bởi không phải chỗ có huyệt, cho dù có thấy hình như kết huyệt cũng không phải là quý huyệt vì không đủ khí mạch (Cô dương bất sinh, cô âm bất phát) :

Hễ chính long thì tả hữu triều lai/

 Đâu có chính long là có sơn thủy gối kề

có nghĩa như vậy ( Trừ một vài trường hợp đặc biệt sẽ nói rõ ở phần sau).

Nguyên thủy âm dương, là chỗ xuất mạch buông xuống, thấy gồ lên như mu bàn tay úp, hoặc như sống lưng thanh kiếm, hoặc gồ như mai mực v.v… là hình thể long thuộc âm, sau biến ra bình điền (bằng phẳng) hoặc như bàn tay ngửa lên, là hình thể long thuộc dương.

Hễ âm thể biến ra dương thể, thì mới kết huyệt; nếu âm dương bất biến, cứ một thể kéo dài đi thì không kết huyệt. Chữ “ âm tử, dương sinh” là như vậy.

Mạch ở sơn cương, gặp dương thì hóa khí, thì kết. Long mạch ở bình dương gặp âm thì hóa khí, thì kết. Nếu sơn long mà thuần âm thì nhất định là vô huyệt; ở bình dương mà tuần dương thì quyết nhiên bất kết.

Sơn tích là âm khí, nên cần phải khai diện, khai oa là “ Phát xuất dương thư chi khí”, thì mới kết huyệt, khác hẳn với bình dương, vì ở bình dương thì tán mạn, đều là dương khí, nên cần khởi tính (sống lưng gồ lên) đột, là: “ Đốn khởi âm liễm chi hình” thì mới kết huyệt.

Tóm lại để tìm long mạch thì phải biết sơn từ phương nào lại, đột khởi lên, thủy từ phương nào lại để giao hòa. Thậm chí thấy các đốt long mới chuyển đi chừng một vài tiết hốt nhiên đoạn tuyệt, ngoảnh về bên tả, nghiêng về bên hữu đều thấy chật hẹp, bức bách, nghiêng lệch, thô ngạch, không biến hóa hoặc bên sinh, bên tử… mà cứ cưỡng làm thì khó tránh khỏi bại tuyệt. Còn phải xem sa thổ có nhuận sắc, có sinh khí tức là cây cỏ có tốt tươi không, nếu thạch cốt thô lộ, cắt rời, sỏi vụn khô khan hoặc cây cằn cỏ héo là tử khí vô mạch, đều tính là giả xuất, nếu hạ táng ắt bại vong.

Bởi câu: Đại để sơn thủy tụ chung, khí tú thanh,

 khuất khúc vi cát, trùng sơn xích thổ,băng phá, bạc độc vi hung.

Đang thủy xu cát tỵ hung dĩ toàn kỳ thiện dã.

Đại để sơn thủy tụ được tú khí, thanh thủy, khuất khúc là tốt. Còn trọc sơn, xích thổ, lở vỡ bạc độc là dở. Phải chọn sơn thủy sao cho xu cát tỵ hung để cho sự tốt lành được toàn vẹn.

Phần tầm long, tầm huyệt, nơi long đình khí chỉ này có thể tóm tắt vào hai câu:

Hai bên ruộng đỗ, dưới có lỗ cấy chiêm

Đôi bên lưỡi liềm quơ lại

Thường là nơi có huyệt kết. Nói về huyệt, có câu: Thế tuy đại, huyệt bất cầu đại, chí ái nội tâm niêm khí. Huyệt tuy tiểu, phúc phát bất thiểu, chân do nghịch thủy. Thế tuy lớn, huyệt không cần lớn, chỉ ưa nội tâm đĩnh khí. Huyệt tuy nhỏ, phát phúc không nhỏ, chính vì có nước nghịch lại.

Từ mười dặm long mạch chạy lại, kết huyệt chẳng qua chỉ vừa chiếc chiếu, điều đáng ưa là nội đường nhỏ, vừa một người nằm nghiêng, trời mưa chứa nước đọng ở trong, cho nên nói là không cần đất rộng vậy. Huyệt tuy nhỏ bé, nhưng kho mạch gồm thu cả lại có cách nghịch hướng, thu tất cả nước từ đầu nguồn lại, con cháu giàu sẽ mua hết cả ruộng của thế gian.

“Thụ tận nguyên đầu thủy

Tử tôn mãi tận thế gian điền”…

Đôi bên lưỡi liềm quơ lại là tay long, tay hổ, ngoài việc chỉ tay long (trái ) là chi trưởng, bên nam, tay hổ (phải) là chi thứ, bên nữ, cụ còn dạy thêm:

Phản hổ con gái lộn chồng

Phản long trai nó ra dòng bất nhân ( Câu 103,104)

Ở đây ta thấy cụ dạy khi tay long, tay hổ phản lại như tự bấu vào mình sẽ có hiện tượng như trên, nếu long hổ không quặp hẳn như vậy nhưng chĩa cấu sang bên kia cũng tạo ra long phá hổ hoặc hổ phá long đều là xấu (Long hổ kình quyền). Tiền sơn loạn y đố nữ loạn dâm, Long hổ giao nha vi đại sát. Phía đầu núi như loạn y sẽ phát gái ghen, loạn dâm.Tay Long Hổ giao nha (nhe răng vào nhau) là đại sát. Tứ phương tiêm xạ huyệt, khởi tai khởi nghiệt. Bốn phương bắn nhọn vào huyệt, gây tai họa cho huyệt. Tả xạ trưởng nam tuyệt. Hữu xạ thứ nam vong. Nhược nhiên đương diện xạ, trung tử định ly hương. Bắn vào bên tả thì trưởng nam tuyệt, bắn vào bên hữu thì thứ nam chết, nếu bắn vào giữa, con giữa ly hương.

Và đương nhiên nếu bên long dài hơn, đầy đặn, hơn thì nam giới, dòng con trưởng phát hơn, bên hổ dài hơn, đầy đặn hơn thì nữ giới, dòng con thứ phát hơn, cuộc đất này thường thấy ở miền Trung, Thanh hóa là một ví dụ.

Tầm long thì như vậy. Đã tầm được long, được nơi long đình khí chỉ : Mạch đi muôn vạn dặm nghìn, chung quy huyệt kết chỉ tìm chiếu con rồi. Ta xét về phần điểm huyệt. Có câu:

Nhất cá sơn trung hạ thập phần

Nhất phần phú quý, cửu phần bần

Cộng đường,cộng án, cộng sơn thủy

Diệu tại huyệt trường, nhận đắc chân

Nghĩa:

Mười mộ trong một khoảng đồi

Một ngôi kết phát chín ngôi hao mòn

Cùng chung đường, án, nước non

Khác vì trúng huyệt, cháu con sang giàu

Kết huyệt cụ dạy có 4 thể chính: Oa: Khum khum gọng vó, chẳng nó thì ai. Kiềm: Thè lè lưỡi trai, chẳng ai thì nó. Nhũ: Thắt cuống cà, sa đít nhện. Đột: Đốn khởi âm liễm chi hình” thì mới kết huyệt. Thêm nữa, chẳng chỉ chú trọng đến Âm Dương, cụ còn nhắc đến phải coi trọng Ngũ hành: Kìa như có đất ngũ tinh/ Nhận xem cho biết tương sinh loan hoàn ( Câu 71,72).

 

 

Ban thờ Đức Tả Ao tại Đền Nam trì – Hưng yên( Nguồn Internet)

 

Khi điểm huyệt làm sao phải cân nhắc thật kỹ, phân kim chính xác để thu minh sinh, phóng ám tử: Minh sinh ám tử vô di / Coi đi coi lại quản chi nhọc nhằn ( Câu 91,92)

Chiều sâu của huyệt cũng là điều cụ nhắc nhở thật kỹ: Xem huyệt nào đào cho phải phép/ Chớ đào sâu mà thiệt như không ( Câu 117,118). Ta biết rằng: Nông quá thì khí mạch thấm lên mất nhiều thời gian, sâu quá thì mạch chạy vọt qua vô ích. Những người có kinh nghiệm có thể xác định được đúng tầm khí mạch một cách dễ dàng, nếu không thạo thì nên dùng lớp giao thổ: lớp trên cùng chừng một hai gang tay thường là mùn, lá cây, rễ cỏ không tính, lớp thứ hai ổn định, đồng màu hơn, dày mỏng tùy vùng, đào tiếp xuống tới lớp thứ ba thường khác màu, khác chất đất, thì lớp giao thổ này tính là đường khí mạch, tuy chưa hoàn toàn chính xác, tùy địa tầng, vùng miền, nhưng cũng sai lệch chẳng bao nhiêu.

Tuy nhiên đặt đúng mạch khí chưa hẳn đã tốt, có câu: “ Thiên tạo, Địa thiết, Nhân thành chi” là có ý ấy, đặt quan như thế nào cũng là một nghệ thuật, giả như mạch khí thô trọc, mạnh mẽ mà đặt cốt trực tiếp vào sẽ phá tán, hung hiểm khó lường. Phải xem khí mạch khinh trọng, cường nhược thế nào mà đặt cho chuẩn. Ví như Mộc tinh thụ huyệt có câu: Mộc tinh trường trực, mạc khả đương đầu, là như vậy. Nếu không nắm vững thì nên đặt tiếp giáp phía trên khí mạch để khí từ từ ngấm lên sẽ tốt hơn. Thậm chí một số trường hợp do mạch vẫn còn mạnh mẽ, cương trọc, phía dưới cốt còn đặt một lớp xương trâu bò, dê, ngựa để làm giảm thiểu khí lực rồi mới ngấm lên.

Lập hướng trong Phong thủy rất quan trọng. Tầm được long chân huyệt đích rồi phải tường tận nội ngoại sơn sa, thủy lộ, địa cục, long nhập thủ, chính xác âm dương, ngũ hành, thuận nghịch, sinh khắc… để chế hóa, xu cát tị hung rồi mới lập hướng. Hướng có hợp với Long, Thủy lai, Thủy khứ mới là hướng cát. Mới phát phúc được, chỉ sai một ly là phát họa ngay, rất nhanh chóng nên cần rất cẩn thận, chi ly.

Ở vùng núi cao có thể quay về phương Bắc hoặc trông về phương thấp được. Bởi vùng sơn cước thường có nhiều đồi núi bao bọc huyệt trường làm gió không thổi tới được, miền sơn cước có núi cao, hậu khí, sơn cao với thủy thân, đại mạch vẫn ăn thông với nhau, núi cao ngàn thước vẫn có nước chảy quanh năm không dứt, nên hướng về chỗ thấp, không có nước tụ đường cũng được bởi khí vẫn sung túc, hữu dư.

Miền bình dương bằng phẳng mà không có nước tụ thì vô khí. Nếu lập hướng về phía thấp không có nước tụ đường thì hỏng, nước dần chảy thoát đi hết, là tuyệt khí. Do vậy phải hướng về phía cao để có nghịch thủy chảy về minh đường thì mới hữu khí, kết phát.

Tuy vậy không thể máy móc. Nếu phương Bắc không có đồi, núi cao che khuất gió thì cũng không thể lập hướng Bắc được. Miền bình dương có sơn cao che gió, hoặc ở miền Nam khí hậu ấm, nóng nhiều vẫn có thể lập hướng Bắc. Miền sơn cước có thủy tụ đường càng hay. Cần tùy theo trường hợp, địa hình mà định liệu.

Cụ dạy trước khi lập hướng phải biết Long tả toàn hay Long hữu toàn (Tả toàn long, thuận chuyển là thuộc dương long; Hữu toàn long nghịch chuyển là Âm long): Ruộng giống ngọc xích, tiện vi/ Dương tả, âm hữu, Long chia hai đường ( Câu 39,40). Khởi tự Hợi Tý phân minh/ Tiến lên ngăn ngắn, thuận hành tả biên ( Câu 43,44)

Ngoài thuận long, nghịch long, cụ còn nói thêm về một trường hợp đặc biệt: Hoành long thì nước thật thà/ Dù chẳng có nước, ắt là đối không( Câu 63,64). Hai câu này giải quyết thắc mắc của nhiều người làm phong thủy. Hoành long quay sang xa dòng nước chính, đôi khi không còn thấy nước ở minh đường nên cũng hồ nghi bất quyết. Nhưng cụ giải thích: Âm dương đã có thư hùng/ Cửa nhà đã hợp, vợ chồng liên giao ( Câu 65,66). Không chỉ trường hợp này, cụ còn chỉ ra một trường hợp đặc biệt khác: Chân long chính huyệt là đây/ Ấy đất hoành kỵ lời thầy truyền ta ( Câu 69,70)…

Nói về hình thể trong phần lập hướng. Ta thấy câu: Ngũ hành nhập miếu, tiểu cục thành nhân/ Tam tiêm sấm vân, sĩ nho cao trúng. Ngũ hành ở chỗ miếu, vượng đất nhỏ cũng nên người. Ba cây bút chấm mây, học trò thi đỗ cao. Mộc cư Đông, Hỏa cư Nam, Kim cư Tây, Thủy cư Bắc. Giả như Đoài Kim mạch lai, Kim tác huyệt, ngộ nhất mộc cư Đông tại án, đắc miếu vượng, huyệt tuy tiểu diệc xuất công khanh. Giả như Tân, Dậu, Canh tam tiêm sấm vân, cát mạch nhập huyệt tọa nhi hướng chi, tất phát trạng nguyên dã. Nếu như ở phương Canh, Dậu, Tân có ba cây bút nhọn, vươn lên chấm mây, mà mạch cát. Phân kim tọa huyệt mà hướng đúng sẽ phát trạng nguyên.

Dương trạch hay âm phần bất kể tọa gì hướng gì mà ở các hướng: Giáp, Tốn, Bính, Đinh có tháp Văn xương ( núi đồi, cây lớn, trụ đá, tháp truyền hình, thu phát sóng…) thuộc về Văn xương cách, lợi cho việc học hành, thi cử. Không chỉ có vậy, ở Mão cũng thế nhưng ắt vướng Dâm tinh…

Nói về kiến thức Phong thủy Đức thánh Tả Ao để lại rất nhiều, giảng giải cặn kẽ, dễ thuộc, dễ hiểu, tưởng nôm na nhưng ẩn chứa huyền cơ diệu dụng. Tính riêng về mặt Hình thể cũng bao la, vạn tượng. Trong khuôn khổ bài viết này khó có thể diễn tả hết, vả lại trình độ có hạn, chỉ khái lược sơ qua một vài nét khái quát, tâm thành như một lời tri ân đến Cụ, người đã để lại cho hậu sinh biết bao điều quý giá.

Mong các cao nhân bổ khuyết thêm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0941.991.189